Từ tháng 2.2025, EU dự kiến bổ sung 2 hoạt chất mới vào diện kiểm soát dư lượng tối đa và điều chỉnh 2 hoạt chất khác theo hướng ngặt nghèo hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất khẩu nông sản của VN vào EU và các doanh nghiệp nói gì?
Ngành gạo tự tin
Ngày 9.8, Văn phòng SPS VN (Bộ NN-PTNT) cho biết Liên minh Châu Âu (EU) muốn siết chặt hơn nữa chất lượng nông sản nhập khẩu vào khu vực này. Cụ thể, EU vừa gửi dự thảo đề xuất mức dư lượng tối đa (MRL) với một số hoạt chất để các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) góp ý trong tháng 8 và dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng 2.2025.
Theo thông báo, EU áp dụng kiểm soát MRL với 2 loại hoạt chất mới là Fenbuconazole và Penconazole. Còn các hoạt chất Zoxamide và Acetamiprid sẽ bị kiểm soát MRL chặt chẽ hơn mức hiện tại. Các sản phẩm nằm trong danh mục kiểm soát gồm nhiều loại từ ngũ cốc, rau quả, các loại hạt, sản phẩm có nguồn gốc động vật. Đáng chú ý, nhiều nông sản xuất khẩu của VN có giá trị kinh tế cao ở thị trường EU cũng nằm trong danh sách.
Doanh nghiệp tự tin về chất lượng lúa gạo VN có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường EU
Thực tế, EU trước nay vẫn là thị trường khó tính bậc nhất thế giới và người tiêu dùng khu vực này ý thức rất cao các vấn đề về an toàn sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc khối này siết chất lượng hàng hóa nhập khẩu không phải là điều quá bất ngờ. TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS VN, trấn an: Cơ bản thì các nhà sản xuất có 6 tháng để chuẩn bị điều chỉnh cho phù hợp. Nếu nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động điều chỉnh và kiểm soát tốt thì không cần phải quá lo lắng.
Nhìn lại trong vài năm gần đây, gạo là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh vào thị trường EU nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Năm 2023, VN đã xuất vào EU trên 130.000 tấn gạo. Vậy quy định mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu gạo vào thị trường này? Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), phân tích: Đây là quy định mà EU sẽ áp dụng chung cho tất cả hàng hóa khắp thế giới nhập khẩu vào chứ không phải chỉ riêng với VN. Chính vì vậy, khó là khó chung cho tất cả mọi đối tượng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên ở VN cũng có nhiều DN ý thức được xu hướng sản xuất sạch, xanh và bền vững nên có thể xem đây là cơ hội.
“Đơn cử như Trung An chúng tôi, khoảng 10 năm qua đã kiên trì đi theo hướng sản xuất bền vững, giảm phân bón, thuốc trừ sâu nên sản phẩm đã có mặt ở các thị trường cao cấp gồm cả Nhật Bản và EU. Nói chung với những DN làm tốt thì khi EU siết chất lượng với số đông sẽ là cơ hội cho họ phát triển nhanh hơn, có thể tiếp tục gia tăng số lượng, giá cả và kim ngạch”, ông Bình lạc quan.
Đồng quan điểm, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, tự tin: “Sản phẩm của chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản được xem là khó tính nhất thế giới thì không có lo lắng gì với những quy định chất lượng của thị trường EU. Ngược lại, việc EU siết các tiêu chuẩn chất lượng này có ý nghĩa với người tiêu dùng, người sản xuất và cả cho môi trường. Vì nó buộc các nhà sản xuất từ DN tới nông dân phải cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất một cách bài bản vì những ý nghĩa lớn lao hơn – sống an toàn, nói không với tồn dư vi lượng hóa chất”.
EU siết chất lượng nông sản nhập khẩu sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản, bền vững
Cà phê, hồ tiêu… chờ thông tin thêm
Trong khi đó, ông Henry Bùi, Giám đốc Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ, khuyến cáo: Việc EU thông báo tiếp tục siết giám sát chất lượng nông sản là rất đáng lưu tâm với các DN và ngành hàng của VN. Hãy đặt câu hỏi vì sao họ áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới với một số sản phẩm, thậm chí kèm theo chứng thư. Vì họ chưa đủ tin tưởng với chất lượng hàng hóa của chúng ta dù có kết quả kiểm nghiệm của một số nơi.
Cả thị trường EU và Nhật Bản đều thuộc hàng khó tính nhất thế giới nhưng rủi ro ở thị trường Nhật Bản thấp hơn vì họ chỉ cảnh báo và ngưng nhập với DN vi phạm trong khi EU áp dụng cho cả ngành hàng. Bên cạnh đó, khi hàng đưa đến cửa khẩu mà không đạt tiêu chuẩn, phải trả về và nhận cảnh báo thì rủi ro về thương hiệu, kinh tế cũng rất lớn. Chính vì vậy, để hoạt động xuất khẩu bền vững các DN cần nghiên cứu và lựa chọn những đơn vị kiểm định, đủ uy tín và đủ trình độ để đồng hành ngay từ khâu sản xuất, trồng trọt.
“EU siết quản lý chất lượng sẽ là thách thức chung với toàn bộ những nhà xuất khẩu toàn cầu muốn đưa hàng vào thị trường này nhưng ngược lại nó là cơ hội cho những DN làm tốt có thể bứt phá. Ở VN, chúng tôi thấy có khoảng 15 – 20 DN trong một số lĩnh vực nông sản xuất khẩu đang làm rất tốt ở thị trường EU, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong năm 2025”, ông Henry Bùi nhận định.
Khảo sát với đại diện các hiệp hội ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu vào EU lớn như cà phê, hồ tiêu, hạt điều…, đa phần tỏ ra thận trọng và cho biết cần thêm thời gian cũng như muốn tham khảo thêm thông tin. “Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin từ các đối tác ở EU. Chúng tôi cần thêm thời gian để có những thông tin cũng như yêu cầu cụ thể hơn từ phía khách hàng”, lãnh đạo một DN chuyên xuất khẩu cà phê và hồ tiêu có tiếng ở TP.HCM chia sẻ.
Dù vậy, các DN đều tỏ ra khá tự tin vì về cơ bản thì trong thời gian qua VN liên tục nâng cao chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm cà phê, hồ tiêu. Chúng ta cũng có nhiều vùng trồng và DN đáp ứng yêu cầu của thị trường EU nên việc tiếp tục nâng cao, cải tiến chất lượng không quá bất ngờ. Cụ thể như trong lĩnh vực hồ tiêu, VN cũng là nước có nguồn cung lớn nhất và trình độ chế biến cao nhất nên chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường.